Tác dụng của hoa đậu biếc và cách dùng hiệu quả
Đối với y học tự nhiên, trà thảo dược có rất nhiều ý nghĩa trong việc chăm sóc sức khỏe. Hoa đậu biếc là loại dược liệu thường được dùng làm trà thảo dược và được nhiều người yêu thích. Chúng ta cùng tìm hiểu xem hoa đậu biếc có tốt không? Dùng hoa đậu biếc thế nào cho hiệu quả?
Tại Ấn Độ, Ayurveda (hệ thống y học Hindu truyền thống của người Ấn Độ từ hàng ngàn năm trước), trà hoa đậu biếc được gọi là trà Anchan. Trà đậu biếc được sử dụng trong các nghi lễ sùng kính để đại diện cho tình yêu, sự thanh thản và sự bảo vệ.
Ngoài ý nghĩa tâm linh, hoa đậu biếc chứa đầy các hợp chất tăng cường sức khỏe, bao gồm chất chống oxy hóa (như anthocyanin), hoạt chất này cũng giúp tạo màu tự nhiên cho thực phẩm và đồ uống.
Tìm hiểu về hoa đậu biếc
Đậu biếc (Clitoria ternatea) là một loài thực vật có nguồn gốc từ Đông Nam Á, thường được sử dụng để làm trà thảo dược. Đậu biếc là một loại cây thân thảo lâu năm thuộc Họ Đậu (Fabaceae).
Hoa đậu biếc có chứa nhiều chất chống oxy hóa, giúp chống lại các gốc tự do và chứng viêm, đồng thời có nhiều lợi ích khác đối với sức khỏe.
Trà hoa đậu biếc cũng được sử dụng cho mục đích làm đẹp, góp phần giúp da, tóc và mắt khỏe mạnh.
Ấn tượng từ hoa đậu biếc đó là khi hãm với nước nóng, tạo ra màu xanh biếc rất đẹp, dịch chiết hoa đậu biếc được dùng làm màu thực phẩm tự nhiên. Ngoài màu xanh biếc ra, khi nước hoa đậu biếc được kết hợp với một thành phần có tính axit, chẳng hạn như nước cốt chanh, làm thay đổi độ pH của nước, do đó màu sắc chuyển từ xanh lam sang tím.
Khi được sử dụng để pha trà thảo dược, đậu biếc về cơ bản không chứa calo và hầu như không chứa caffeine, chất béo, protein, carbs.
Hầu hết các tác dụng của hoa đậu biếc là do nó có nguồn chất chống oxy hóa tuyệt vời, bao gồm: Anthocyanin, flavonoid, kaempferol, quercetin, myricetin glycoside, axit gallic, axit p-Coumaric. Đậu biếc cũng chứa cyclotides, vi protein giúp hình thành các mô liên kết trong thực vật.
Hoa đậu biếc có những tác dụng gì đối với sức khỏe?
Hoa đậu biếc có tác dụng gì? Hoa đậu biếc được biết là giúp chống lại các phản ứng viêm, hỗ trợ hệ thống miễn dịch mạnh mẽ và bảo vệ khớp, não, mắt và da khỏi bị thương tổn.
Dưới đây là những tác dụng của hoa đậu biếc đối với sức khỏe đã được các nghiên cứu chứng minh.
Giàu chất chống oxy hóa
Trong y học truyền thống, trà hoa đậu biếc được coi là một phương thuốc tự nhiên giúp cải thiện triệu chứng của nhiều bệnh, bao gồm sốt, viêm, đau khớp do suy thoái collagen và bệnh tiểu đường.
Bởi vì loại thảo dược này giàu chất chống oxy hóa, nên hoa đậu biếc có thể giúp chống lại stress oxy hóa và các gốc tự do, đây chính là 2 nguyên nhân chính gây ra lão hóa và phát triển bệnh tật.
Các hợp chất trong hoa đậu biếc còn được chứng minh là giúp ngăn ngừa sự phát triển của tế bào ung thư và chúng cũng có thể bảo vệ gan, não, tim, mạch máu và các cơ quan khác khỏi bị hư hại.
Có tác dụng kháng khuẩn tự nhiên và tăng cường miễn dịch
Hoa đậu biếc được cho là có tác dụng kháng khuẩn và chống viêm do sự hiện diện của các hợp chất như axit p-coumarin và delphinidin glucoside. Sử dụng hoa đậu biếc có thể chống lại virus và vi khuẩn.
Nghiên cứu cho thấy rằng trà hoa đậu biếc có thể giúp hỗ trợ tiêu hóa lành mạnh và sức khỏe đường ruột, có liên quan nhiều đến chức năng miễn dịch và bảo vệ đường tiêu hóa khỏi co thắt, buồn nôn, ợ chua và viêm loét. Hoa đậu biếc cũng có thể hỗ trợ giải độc và chức năng gan giúp loại bỏ chất thải độc hại ra khỏi cơ thể, vì loại hoa này hoạt động như một loại thuốc nhuận tràng nhẹ và lợi tiểu tự nhiên.
Ngoài ra, đậu biếc còn được các nhà khoa học phát hiện có đặc tính tẩy giun sán, vì vậy nó đôi khi được sử dụng để điều trị nhiễm ký sinh trùng.
Một tác dụng tăng cường miễn dịch khác của loại cây này là khả năng tăng cường sức khỏe đường hô hấp. Hoa đậu biếc có thể giúp loại bỏ chất nhày, chất lỏng khỏi phổi và đường hô hấp, đồng thời giảm kích ứng và viêm nhiễm, giúp điều trị viêm phế quản, cảm lạnh và ho.
Hoa đậu biếc còn có thể được dùng để kiểm soát bệnh hen phế quản và dị ứng. Trong y học truyền thống Ấn Độ, hoa đậu biếc là một trong những thành phần được sử dụng rộng rãi nhất trong các chế phẩm khác nhau để điều trị các bệnh đường hô hấp.
Tăng cường nhận thức và trí nhớ
Một số nghiên cứu cho thấy đậu biếc có thể làm tăng mức độ acetylcholine trong não, đây là một hợp chất có lợi cho sự tập trung, trí nhớ và các nhiệm vụ nhận thức khác.
Do đậu biếc có khả năng chống lại stress oxy hóa, nên loại thảo dược này có thể giúp làm chậm quá trình mất trí nhớ do tuổi tác và hỗ trợ sức khỏe tâm thần, bằng cách bảo vệ chống lại sự lo âu, tác động của căng thẳng mãn tính, trầm cảm và ADHD (rối loạn tăng động, giảm chú ý ở người lớn).
Bảo vệ đôi mắt và tăng cường thị lực
Các chất chống oxy hóa được tìm thấy trong hoa đậu biếc có thể bảo vệ mắt khỏi tác hại của các gốc tự do, ánh nắng mặt trời, các chất gây kích ứng và ảnh hưởng của chế độ ăn uống thiếu các chất dinh dưỡng. Hoa đậu biếc cũng có thể giúp tăng cường lưu lượng máu đến mắt.
Các chất chiết xuất và gel bôi mắt làm từ hoa đậu biếc được sử dụng trong một số trường hợp để kiểm soát các vấn đề liên quan đến thị lực, chẳng hạn như bệnh tăng nhãn áp, võng mạc bị tổn thương, mờ mắt, nhìn ban đêm kém, khô mắt, mỏi mắt.
Tăng cường sức khỏe của da và tóc
Hoa đậu biếc có thể ngăn ngừa các dấu hiệu lão hóa sớm trên da chẳng hạn như da mất độ đàn hồi, nếp nhăn, và tông màu và kết cấu không đồng đều.
Có bằng chứng cho thấy hoa đậu biếc có thể tăng cường dưỡng ẩm cho da và chống lại tác hại của ánh nắng mặt trời nhờ các chất chống oxy hóa, chẳng hạn như polyphenol. Bởi vì hoa đậu biếc có đặc tính chống viêm, nên nó cũng có thể giúp điều trị phát ban, sưng tấy, ngứa và viêm da hoặc dị ứng ảnh hưởng đến da.
Tuy nhiên, một lợi ích khác là hạt đậu biếc có khả năng giúp da đầu khỏe mạnh và làm tóc chắc khỏe, mềm mượt. Nó được cho là giúp mang thêm máu đến các nang tóc và giảm viêm, vốn có thể làm giảm sự phát triển của tóc.
Chúng ta có thể sẽ tìm thấy thành phần đậu biếc có trong một số loại dầu gội, dầu dưỡng tóc và các sản phẩm dành cho tóc khác với tác dụng làm đen tóc, dày tóc.
Hỗ trợ các chức năng trao đổi chất
Theo kết quả của một số nghiên cứu, hoa đậu biếc có thể giúp giảm tăng huyết áp (huyết áp cao) và cholesterol cao, hỗ trợ các chức năng tim mạch khác và ổn định lượng đường trong máu. Một số nghiên cứu khác cũng cho thấy đậu biếc có thể bảo vệ chống lại các triệu chứng liên quan đến bệnh tiểu đường và kháng insulin do khả năng chống stress oxy hóa.
Giống như các loại thảo dược có chất chống oxy hóa cao khác, hạt đậu biếc có khả năng giúp giảm cân và bảo vệ chống béo phì do tác dụng trao đổi chất nói chung của nó. Tuy nhiên vẫn cần nghiên cứu thêm về chủ đề này.
Hoa đậu biếc có an toàn không?
Tác dụng không mong muốn của hoa đậu biếc là gì? Đây là câu hỏi mà nhiều người quan tâm, và sau đây sẽ là lời giải đáp.
Hoa đậu biếc thường được dung nạp tốt, nhưng chúng ta không nên bắt đầu bổ sung loại thảo dược này ở dạng chiết xuất (đặc biệt là với liều lượng cao) nếu đang có một tình trạng sức khỏe nghiêm trọng, chẳng hạn như ung thư, Alzheimer, sa sút trí tuệ hoặc tiểu đường.
Tham khảo ý kiến của thầy thuốc trước khi sử dụng trà hoa đậu biếc hoặc các chất chiết xuất đậu biếc trong các trường hợp mắc bệnh lý mãn tính cần dùng thuốc hàng ngày hoặc nếu đang mang thai.
Hoa đậu biếc an toàn nếu sử dụng hoa đậu biếc với liều lượng vừa phải được khuyến nghị (1 – 2g hoa khô, tương đương 5 – 10 bông hoa mỗi ngày).
Luôn luôn đọc kỹ hướng dẫn khi sử dụng các sản phẩm có chứa chiết xuất hoa đậu biếc, dùng theo liều được nhà sản xuất hướng dẫn.
Cách sử dụng hoa đậu biếc
Hoa đậu biếc thường được dùng dưới dạng trà hoặc chiết xuất, được làm từ lá và cánh hoa của cây.
Hoa đậu biếc được mô tả là có hương hoa nhẹ với một chút ngọt ngào, tương tự như trà hoa cúc. Bởi vậy, trà hoa đậu biếc được nhiều người yêu thích.
Cách pha trà đậu biếc đơn giản: Sử dụng khoảng 1-2 thìa cà phê lá và cánh hoa khô cho mỗi ấm hoặc cốc trà 250ml. Đổ nước nóng khoảng 90oC vào ấm đã cho trà đậu biếc rồi ngâm trong khoảng 3 đến 5 phút, nước sẽ bắt đầu chuyển sang màu xanh đậm.
Chúng ta có thể vắt một ít nước cốt chanh vào trà nếu muốn trà chuyển sang màu tím. Để có thêm vị ngọt, hãy thêm một chút mật ong nguyên chất. Ngoài ra, chúng ta cũng cũng có thể cải thiện hương vị và lợi ích sức khỏe bằng cách thêm các thành phần thảo dược khác, chẳng hạn như gừng sống (sinh khương), bạc hà, quế nhục, hoa dâm bụt, hoa oải hương và cam sấy, lát chanh sấy hoặc chanh tươi…
Theo truyền thống, trà hoa đậu biếc được thưởng thức nhẹ nhàng như một phần của thiền định, bắt đầu từ một ý định trong tâm trí. Ý tưởng là xem màu sắc của trà biến đổi khi tâm trí chúng ta hình dung ra bản thân đang phát triển và thay đổi.
Ngoài việc pha trà với hoa đậu biếc, hãy thử sử dụng loại thảo dược này để tạo màu thực phẩm tự nhiên cho một số món ăn như thạch, sữa chua, cocktail, kem và các loại bánh.
Ở Việt Nam, nhiều gia đình trồng cây đậu biếc để làm cảnh, làm trà và làm màu thực phẩm. Thu hoạch những bông hoa, phơi trong bóng râm (phơi âm can) hoặc sấy khô ở nhiệt độ thấp, bảo quản kín để sử dụng dần dần.